Nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra một số điểm mới như sử dụng nguyên liệu nấm linh chi, nấm hương và nấm đầu khỉ sản xuất trong nước để trích ly hoạt chất sinh học phục vụ chế biến thực phẩm chức năng; xác định được quy trình công nghệ trích ly hoạt chất sinh học từ nấm linh chi, nấm đầu khỉ và nấm hương bằng sóng siêu âm và công nghệ thu nhận tạo chế phẩm cho chế biến thực phẩm.
Nấm linh chi.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm từ trích ly 3 loại nấm kể trên; thiết kế, chế tạo lắp đặt và vận hành được 1 hệ thống thiết bị trích ly bằng sóng siêu âm cho sản xuất chế phẩm nấm trích ly; kết hợp với 2 doanh nghiệp xây dựng mô hình và sản xuất thử nghiệm chế phẩm từ trích ly nấm hương, nấm linh chi, nấm đầu khỉ ở quy mô 100kg nguyên liệu mỗi mẻ và tạo ra được 50kg chế phẩm nấm linh chi trích ly, 50kg chế phẩm nấm hương trích ly và 50kg chế phẩm nấm đầu khỉ trích ly... Thành công của đề tài cho thấy tiềm năng đầu tư và mở rộng sản xuất, chế biến nấm dược liệu ở Việt Nam.
Đề tài “Nghiên cứu sản xuất sinh khối rễ cây hoàng liên gai làm nguồn dược liệu sản xuất berberin bằng công nghệ khí canh” thuộc chương trình KC.04/11-15 (nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học) do thạc sỹ Lại Đức Lưu - Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - làm chủ nhiệm. Nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng cây hoàng liên gai nhằm đánh giá khả năng sản xuất sinh khối rễ của công nghệ khí canh so với trồng bằng địa canh truyền thống.
Kết quả cho thấy sinh khối rễ cây hoàng liên gai thu được sau khi trồng 1 năm trong hệ thống khí canh cao gấp 3,43 lần so với sản phẩm trồng bằng phương pháp địa canh truyền thống. Trong hệ thống khí canh, cây hoàng liên gai sinh trưởng tốt nhất khi nồng độ dinh dưỡng đặt ở mức 1.300-1.600 µs/cm với chế độ phun thích hợp nhất là phun 10 giây, nghỉ 15 phút. Kết quả này là cơ sở quan trọng trong việc phát triển sản xuất sinh khối các cây dược liệu quý bằng công nghệ khí canh.
Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu sau thu hoạch ở quy mô công nghiệp” thuộc chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2011-2015” (KC.07/11-15).
Đề tài do thạc sỹ Tạ Phương Thảo - Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - làm chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình sản xuất và hoàn thiện quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu (hoài sơn, giảo cổ lam, cúc hoa) quy mô 100kg nguyên liệu mỗi mẻ.
Sản phẩm hệ thống được tạo ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài là tiến bộ kỹ thuật có ý nghĩa khoa học và phù hợp với đối tượng dược liệu, đảm bảo khả năng nâng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu thực tế từ 1.000-5.000kg/mẻ.
Đề tài đã xây dựng được các quy trình công nghệ sơ chế và bảo quản dược liệu (hoài sơn, giảo cổ lam, cúc hoa) đã được nghiên cứu từ quy mô phòng thí nghiệm và hoàn thiện ở quy mô sản xuất nên đảm bảo tính ổn định và làm chủ được trong điều kiện sản xuất quy mô lớn. Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được 3 tiêu chuẩn cơ sở của 3 sản phẩm dược liệu (hoài sơn, giảo cổ lam, cúc hoa) là cơ sở để áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu.
Đề tài “Nghiên cứu tạo rễ tơ của cây tam thất, ngũ gia bì chân chim và thử nghiệm quá trình sản xuất sinh khối bằng bioreactor” do thạc sỹ Đặng Thị Thanh Tâm - khoa Công nghệ sinh học, Đại học Nông nghiệp Hà Nội - làm chủ nhiệm. Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu thiết lập được quy trình công nghệ nuôi cấy rễ tơ (hair root) bằng vi khuẩn agrobacterium rhizogenes trên cây dược liệu ngũ gia bì chân chim, làm tiền đề cho việc sản xuất các hợp chất trong nhóm saponin bằng bioreactor.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá được khả năng của vi khuẩn agrobacterium rhizogenes chứa ri-plasmid mang gen rol trong việc cảm ứng tạo rễ tơ cho hai loài dược liệu tiềm năng chứa saponin: Ngũ gia bì chân chim và tam thất; cảm ứng thành công rễ tơ trong ống nghiệm cho hai loài dược liệu trên.
Nhóm cũng xác định được ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy, điều kiện nuôi cấy đến khả năng sinh khối của hệ thống nuôi cấy rễ tơ đã được cảm ứng; bước đầu thiết lập quy trình nhân nuôi rễ tơ dựa trên các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật đã khảo sát.
Đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sâm Ngọc Linh sinh khối và chế phẩm tăng lực Vinatonic” thuộc chương trình KC.10/2011-2015 (Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng) do tiến sỹ Vũ Tuấn Anh - Học viện Quân y - làm chủ nhiệm. Từ củ, rễ củ sâm Ngọc Linh, nhóm nghiên cứu đã tạo ra thể sần, từ đó cấy chuyển để không cho thể sần này tạo ra các tế bào có thể biệt hóa, chỉ thu hoạt chất của sâm mà không nuôi cấy thành cây sâm.
Kỹ thuật này giúp rút ngắn thời gian sản xuất, chỉ mất 25-30 ngày là tạo ra sinh khối có thể sử dụng, thay vì phải trồng cây sâm trong 5-6 năm. Nghiên cứu giúp các nhà khoa học có thể chủ động nguồn dược liệu, việc nuôi cấy cũng ít rủi ro hơn, tránh sâu bệnh. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng sâm sinh khối thu được để bào chế các sản phẩm viên uống, mỹ phẩm.
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất vi nang chứa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học sử dụng trong sản xuất thực phẩm” do thạc sỹ Trần Hải Đăng - Đại học Nha Trang - làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài là phát triển được công nghệ sản xuất vi nang chứa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học, sử dụng trong chế biến thực phẩm như: Nghiên cứu quy trình tạo nhũ tương và vi nang dầu gấc; lựa chọn chất bao gói và xây dựng quy trình tạo vi nang phù hợp, bảo vệ được các hoạt tính sinh học của một số tinh dầu có giá trị cao (gừng, tỏi...); ứng dụng vi nang vào một số sản phẩm thực phẩm cụ thể. Đề tài tập trung nghiên cứu trên ba đối tượng cụ thể: Gấc, tinh dầu gừng và tinh dầu tỏi.
Kết quả, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra được công nghệ vi nang chứa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học sử dụng trong chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ vi nang đối với một số tinh dầu có giá trị cao như tinh dầu gấc, gừng, tỏi... Thành công của đề tài đã tạo ra bước đột phá trong bảo quản đối với ngành công nghiệp thực phẩm.